Dạy và học bơi trong trường học

Thực hiện Chỉ thị số 17/TC-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em“, Quyết định số 1332a/QĐ-UBND tỉnh và các kế hoạch, văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tích cực triển khai việc dạy và học bơi trong nhà trường. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao thể chất và phòng chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn.

Theo khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 31 bể bơi trong các trường học; trong đó, có 28 bể bơi được đầu tư theo Quyết định 1332a/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh về triển khai Dự án xây dựng bể bơi tại các trường học trên địa bàn tỉnh, được bàn giao sử dụng trong các năm 2019-2020, 1 bể bơi được đầu tư từ nguồn tài trợ của Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai và kinh phí đối ứng của địa phương (Trường THCS Măng Đen, huyện Kon Plông), 1 bể bơi tại Trường PTTH Chuyên Nguyễn Tất Thành, 1 bể bơi được đầu tư theo hình thức tài trợ và vốn đối ứng ngân sách nhà nước tại Trường THCS-THPT Liên Việt.

Bà Phan Thị Thủy – Trưởng Ban Văn hoá- Xã hội HĐND tỉnh cho biết, qua kết quả khảo sát năm 2021, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều phổ biến, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong chương trình phòng, chống đuối nước tại các cơ sở giáo dục; được phụ huynh, học sinh đồng tình ủng hộ. Hoạt động bơi của nhà trường đã trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước, góp phần phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho học sinh. Trẻ em tham gia môn bơi, bước đầu đã biết bơi đúng kỹ thuật, có kỹ năng phòng, chống đuối nước. Một số trường chú trọng phát huy năng khiếu của học sinh, tham gia hoạt động thể thao thành tích cao môn bơi lặn, đạt được kết quả  tốt như Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành…

Dạy bơi cho học sinh tiểu học ở thành phố Kon Tum. Ảnh: TTXVN

 

Theo số liệu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đến nay có khoảng 6.925/19.642 học sinh các trường có bể bơi tham gia học bơi, chiếm tỷ lệ 35,28% với 108 khóa dạy bơi. Ở cấp tiểu học, phần lớn các trường ưu tiên môn bơi là môn tự chọn cho khối lớp 4-5; cấp THCS, phần lớn học sinh lựa chọn bơi là môn tự chọn trong môn giáo dục thể chất, hình thức tổ chức dạy ngoài giờ học.

Ở một số đơn vị, số học sinh tham gia môn bơi rất cao như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thành phố Kon Tum) có 273/433 học sinh, Trường THCS Chu Văn An (huyện Đăk Hà) có 1.163/1.163 học sinh, Trường THCS thị trấn Ngọc Hồi (huyện Ngọc Hồi)  có 982/982 học sinh, Trường TH Lê Quý Đôn (huyện Đăk Tô) có 580/974 học sinh, Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đăk Tô) có 1.032/1.032 học sinh, Trường THCS Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) có 315/318 học sinh, Trường THCS Măng Đen (huyện Kon Plông) có 191/191 học sinh; một số trường học khác có 100% học sinh tham gia môn bơi.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm phối hợp với các đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục thể chất về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; kỹ năng, phương pháp dạy bơi cho học sinh. Qua đó, từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức được 8 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng dạy bơi, phòng chống tai nạn đuối nước cho hơn 1.200 lượt giáo viên; phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn viên dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bơi cho gần 300 giáo viên.

Hiện nay, phần lớn các trường có bể bơi đều bố trí giáo viên thể chất để thực hiện dạy bơi. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã bố trí 58 giáo viên giáo dục thể chất dạy bơi cho học sinh tại 31 trường có bể bơi; trong đó có 42/58 giáo viên có chứng chỉ bơi. Bên cạnh đó, các trường cử thêm giáo viên Tổng phụ trách, nhân viên bảo vệ nhà trường phối hợp cùng với giáo viên thể chất tổ chức dạy bơi, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Để thực hiện có hiệu quả công tác dạy bơi trong nhà trường, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng bơi, giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong do đuối nước cho học sinh nói riêng và trẻ em nói chung, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cần hướng dẫn thống nhất công tác quản lý, vận hành bể bơi trong trường học, nhất là việc triển khai môn bơi trong hoạt động giáo dục thể chất để khai thác tối đa công năng bể bơi đã được xây dựng.

Mặt khác, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật vận hành bể bơi; định hướng giải pháp về mô hình quản lý, vận hành để các đơn vị áp dụng phù hợp, đặc biệt là quy trình xử lý vệ sinh nguồn nước. Tổ chức tập huấn chuyên môn và cấp chứng chỉ bơi, lặn cho giáo viên, nhất là số giáo viên ở các trường chưa có chứng chỉ.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với UBND cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí làm mái che cho các bể bơi được đầu tư từ năm 2020 trở về sau; thực hiện công tác bàn giao bể bơi theo phân cấp quản lý tài sản để các địa phương chủ động trong quản lý, theo dõi, vận hành, sử dụng; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng các bể bơi bị sụt lún sân xung quanh bể để có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, khắc phục; trong đó chú ý xử lý nguồn nước bể bơi Trường Tiểu học Cao Bá Quát (thành phố Kon Tum) để đưa vào sử dụng hiệu quả.