Mùa hè là mùa của bơi lội. Tuy nhiên, mặc gì cho đúng khi đến hồ bơi thì không phải ai cũng biết. Chính vì không biết nên có người đến hồ bơi nhưng không được xuống nước vì lý do mặc đồ không đúng quy định.
Thật ra, việc các hồ bơi thực thi quy định về trang phục bơi là nhằm giữ vệ sinh hồ bơi và bảo vệ sức khỏe chung cho mọi người tham gia. Cho dù quy định về trang phục này có nơi có, nơi không, nhưng bạn nên có những hiểu biết cơ bản về vấn đề này trước khi đến các hồ bơi.
Tại sao không nên mặc trang phục trái quy định của hồ bơi?
Có 2 lý do chính
- Ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ bơi
-
- Quần áo đường phố (đặc biệt là quần áo bằng vải cotton) có thể mang các chất bẩn trong không khí và nước vào hồ bơi.
- Các vật liệu thấm nước như vải cotton có thể bị bong tách trong nước. Những sợi vải này có thể làm tắc nghẽn các bộ lọc hồ bơi.
- Bất kỳ vật liệu nào có màu hoặc nhuộm màu (trừ khi được sản xuất riêng cho môn bơi) đều có thể loang màu vào hồ bơi, ảnh hưởng đến tính chất hóa học của nước.
- Ảnh hưởng đến sự an toàn của người bơi: các loại quần áo quá thùng thình hoặc làm bằng chất liệu dày như denim (loại vải để may quần jeans) có thể bị sũng nước và trĩu nặng, gây khó khăn cho việc bơi hoặc nổi người trong nước.
Danh sách những đồ không phải “đồ bơi”
- Quần áo tập thể dục (workout clothes) hoặc quần áo bó sát (compression wear)
Thoạt nhìn, quần áo tập thể dục hoặc quần áo bó sát giống với đồ bơi. Tuy nhiên, những điểm tương đồng về vẻ ngoài lại không có sự tương đồng về chức năng.
Vật liệu của những trang phục được thiết kế để tập trên cạn này không phù hợp để ngâm trong nước khử trùng bằng clo, vì vậy dễ bị “xuống cấp” khi mặc để bơi. Trong khi đó, các loại đồ bơi thông thường có thể đối phó tốt với tác động khắc nghiệt của clo vì chúng được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong hồ bơi.
Ngoài ra, ai cũng cho rằng mọi người thường đổ mồ hôi nhiều khi mặc quần áo tập thể dục nên ngay cả khi bạn mặc quần áo tập luyện sạch sẽ thì những người xung quanh bạn cũng không nhận thức được điều đó và không muốn bạn mặc loại quần áo này xuống hồ bơi.
Vì vậy, bạn không nên mặc đồ tập aerobic, gym, yoga, chạy bộ, đạp xe, tennis, … đến hồ bơi.
- Quần áo đường phố (street clothes)
Như đã nói ở phần trên, quần áo đường phố có thể làm tắc cống, bộ lọc của hồ bơi; có thể mang chất bẩn trong không khí và nước vào hồ bơi. Cotton và các vật liệu tương tự có thể hấp thụ hóa chất trong nước, khiến nước trở nên kém hiệu quả hơn trong việc duy trì sự cân bằng hóa học thích hợp hoặc có thể làm nước bị vẩn đục. Một mối nguy hiểm khác là thuốc nhuộm có trong một số quần áo. Clo tương tác với các loại thuốc nhuộm này trên vải, khiến chúng hòa vào nước, tạo ra màu sẫm trong nước. Sợi vải cũng có thể giữ lại vi khuẩn trong thời gian lâu hơn, trái ngược với đồ bơi.
Ngoài ra, bất cứ thứ gì bạn quyết định mặc trong hồ bơi đều không được có nút hoặc khóa kéo vì nó có thể làm trầy xước da của người bơi khác.
Vì vậy, bạn không nên mặc đồ bộ, quần jean, áo phông, quần đùi… đến hồ bơi.
- Đồ lót (Underwear)
Một số người dường như không phân biệt được “đồ lót” với “đồ bơi”! Đồ lót được thiết kế dành riêng cho sử dụng trên cạn, không phải dưới nước. Quần lót boxer có thể có những điểm tương đồng nhất định với quần bơi và nội y có thể có những điểm tương đồng nhất định với bikini. Tuy nhiên, “tụi nó” giống về hình thức nhưng không giống về chức năng.
Ngoài những vấn đề rủi ro nhiễm bẩn và các vấn đề về tắc nghẽn bộ lọc như các mặt hàng quần áo bị cấm khác, vấn đề chính của việc mặc đồ lót trong hồ bơi là tính chắn sáng của vải. Khi ngâm trong nước, một số loại quần lót nhìn xuyên thấu và … điều đó là phản cảm!
Ngoài 3 loại quần áo không phải “đồ bơi” như trên, có một loại “đồ bơi” đúng nghĩa nhưng thường cũng bị các hồ bơi cấm luôn, đó là đồ bơi hở hang hoặc xuyên thấu (revealing or see-through swimwear). Đây là dạng đồ bơi được xem là không phù hợp với môi trường hồ bơi công cộng vì nó xâm phạm bầu không khí thân thiện gia đình (có trẻ em tham gia), có thể gây xích mích giữa những người đi bơi cũng như nhân viên bể bơi!
Theo quy định của một số hồ bơi, bikini thường được chấp nhận để mặc, trong khi quần bơi dây thường được coi là quá hở hang.
Quy định trang phục bơi ở Việt Nam
Cái khó của người Việt mình là thiếu thuật ngữ chuyên biệt về các loại trang phục khác nhau nên cũng khó liệt kê ra hết các loại trang phục không nên mặc khi xuống nước. Vì vậy, các bạn chỉ cần nhớ đến “loại trang phục không phải đồ bơi” là được. Nhiều hồ bơi khá lúng túng về vấn đề này và thường “thả nổi”. Khách bơi cứ dựa vào sự không rõ ràng để “mặc cả” và đôi co về loại quần áo họ đang mặc. Có người cứ cố tình lầm lẫn quần lót, quần đùi là quần bơi; quần short đi ngoài đường là quần short đi biển, áo tập thể dục hay áo thun thông thường là áo bơi. Khi nhân viên hồ bơi không cho phép xuống hồ thì họ giận dữ và cho rằng hồ bơi đang làm khó họ.
Họ không hiểu rằng, mặc đúng đồ bơi là sự tôn trọng mọi người đang tập luyện dưới nước, giúp bảo vệ họ và những người khác khỏi các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Họ không hiểu rằng, đồ bơi được thiết kế đặc biệt để giúp họ luôn cảm thấy thoải mái khi bơi hoặc ở dưới nước vì chỉ có đồ bơi mới được thiết kế để bị ướt và có thể chịu được clo.
Kết luận
Không chỉ là đi bơi, mặc trang phục phù hợp với hoàn cảnh là một quy ước chung của mọi người.
Mặc đồ không phù hợp khi đi bơi cũng giống như đi ra đường cởi trần, đi vào chùa mặc quần cụt, đi bar mang dép lê!
Nếu bạn đi bơi nhưng lại quên mang đồ bơi? Giải pháp đúng đắn nhất là mua hoặc thuê đồ bơi ngay tại hồ bơi. Các hồ bơi đều có bán và cho thuê đồ bơi.
Còn muốn để phân biệt “đồ bơi” với những “đồ giống giống đồ bơi” khác thì các bạn chỉ cần hiểu một cách đơn giản rằng: “Đồ bơi” là đồ được thiết kế để nhúng nước! Muốn tìm đúng đồ bơi thì cứ vào cửa hàng đồ bơi để mua, còn đi bơi mà mua đồ ở cửa hàng bán đồ tập yoga, đồ tập gym hay đồ mặc thông thường thì không đúng rồi. Những loại đồ đó chỉ dùng để mặc trên cạn, kỵ nước có clo và dễ làm bẩn nước.
Theo https://phongchung.com/do-boi-hieu-sao-cho-dung